Vietjet Air- Hàng không giá rẻ và tiết kiệm chi phí từ online


 Được hình thành và phát triển tại Mỹ từ năm 1973, mảng dịch vụ hàng không giá rẻ đã đánh dấu sự  bùng nổ, phát triển và thành công của mình tại hàng loạt các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ…. với việc phục vụ hàng triệu lượt khách hàng bay mỗi năm và khai thác hàng trăm đường bay quốc tế. Tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương đã chứng minh sự bùng nổ của hàng không giá rẻ từ năm 2000. Hãng Hàng không AirAsia của Malaysia đã nhanh chóng mở rộng và trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn trong khu vực, chuyên khai thác các chuyến bay tới những lục địa nhỏ. Sự thành công của AirAsia đã làm phát sinh một loạt các hãng hàng không giá rẻ khác như Tiger Airways của Singapore và Jetstar của Úc. …riêng tại Việt Nam, hãng hàng không đầu tiên khai thác thị trường hàng không giá rẻ chính là Tiger Airways vào năm 2005 . Đến nay thị trường hàng không giá rẻ của Việt Nam có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Jetstar, Air Mekong, Tiger Airways & VietJet Air . Các hãng  hàng không giá rẻ không chỉ khai thác đường bay trong nước giữa các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng … mà còn khai thác các đường bay quốc tế như Singapore, Malaysia…

VietJet Air- hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam – cũng đã cạnh tranh rất khốc liệt với các hãng hàng không quốc tế thông qua các chương trình khuyến mãi “giá sốc”  mặc dù hãng mới bắt đầu “cất cánh” từ tháng 12 năm 2011.

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động hãng đang từng bước xây dựng và hoàn thiện các chiến lược marketing để có thể cạnh tranh tốt hơn. Ngoài chiến lược giá rẻ cho các chặng bay trong nước, quốc tế Vietjet Air còn không ngừng phát triển các chiến lược xúc tiến để khai thác thị trường đầy tiềm năng. Từ việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, định vị thương hiệu tới việc khai thác các kênh truyền thông, Pr, quảng cáo.

Trong khuôn khổ bài viết của mình tôi sẽ tìm hiểu việc VietJet Air sử dụng các công cụ truyền thông Online như Website, mạng xã hội để giảm chi phí, tăng cạnh tranh với các hãng hàng không khác.

Từ Website:
Các hãng hàng không đều cố gắng nâng cao tính cạnh tranh trong việc ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ hành chính. Từ đó giúp giảm thiểu tối đa chi phí vận hành, tiết kiệm chi phí giúp cho khách hàng có được giá rẻ mà doanh nghiệp vẫn có lời. Website của các hãng hàng không đều có các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng giao dịch từ lựa chọn chuyến bay, xem giá, mua vé, thanh toán, đến các thủ tục khai báo (check-in). Website của Vietjet Air cũng không là ngoại lệ với hàng loạt các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn.  Thay vì việc đi tới các đại lý máy bay để mua vé và thanh toán khách hàng có thể thanh toán trực tuyến bằng thẻ Visa Card, Debit Card và lựa chọn cho mình một chuyến bay giá rẻ.
Trang Chủ www.vietjetair.com (ảnh chụp màn hình)

Website của Vietjet Air có tên miền là www.vietjetair.com .Giúp cho khách hàng dễ dàng truy cập khi tìm kiếm với từ khóa “vietjet air”, tên miền ngắn gọn, dễ nhớ giúp cho khách hàng dễ nhận dạng và truy cập.Với giao diện sử dụng các màu sắc đặc trưng của thương hiệu: Trắng – đỏ - vàng  và hai ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Việt giúp cho khách hàng dễ dàng truy cập,sử dụng . Trang chủ Website cung cấp thông tin các chương trình khuyến mãi đang thực hiện, giá các chặng bay hấp dẫn. Khách hàng có thể tìm hiểu thông tin lịch bay, chuyến bay, giá vé ngay trên trang chủ. Và nếu giá chuyến bay hấp dẫn người dùng có thể thanh toán trực tuyến để mua vé ngay trên trang đặt chỗ. Website của Viejet Air có thể đánh giá là thân thiện với người dùng bởi giao diện bắt mắt, hiện đại, năng động.

 Một trong những hàng hàng không giá rẻ hàng đầu Châu Á là Air Asia cũng đã rất thành công khi xây dựng web site AirAisa.com, trở thành Website số 1 châu Á với hơn 25 triệu khách hàng viếng thăm website mỗi ngày và hơn 3 triệu khách hàng tương tác trên website. Cũng giống như Vietjet Air, Air Asia cũng mang lại cho khách hàng những thông tin hấp dẫn về các chuyến bay, các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ thanh toán online cũng như đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp sẵn sàng hỗ trợ khách hàng. Giao diện Air Asia cũng rất thân thiện cho người dùng bởi tính tương tác cao. Trong khi các hãng hàng không truyền thống như Viet Nam Airline xây dựng website mang tính truyền thống, nhẹ nhàng hơn với các hoa văn, hình ảnh Việt Nam. website cũng cung cấp các thông tin, các công cụ giao dịch cho khách hàng muốn thanh toán, tham khảo thông tin chuyến bay online.
Website Air Asia tại Việt Nam (ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra AirAsia.com còn quảng báo banner trên các website khác để đưa người dùng truy cập vào website. Điều mà hiện tại Air Mekong cũng như Vietjet Air đang thực hiện cho website của mình. Ngoài các banner, forum do công ty tự xây dựng các hãng hàng không này đều tiến hành quảng cáo tại một loạt các website khác bằng cách đăng tin tức, đăng banner quảng cáo để tăng lượng backlink cho website của mình, thu hút người dùng đến với website.
Chương trình khuyến mãi được các hãng hàng không xây dựng liên tục để thu hút khách hàng theo dõi website, tham gia các chuyến bay cả trong nước lẫn ngoài nước. Với các banner thông báo chương trình bán vé giá rẻ từ một phần ba tới một nửa giá chuyến bay sắp sửa thực hiện giúp cho người dùng có tâm trạng háo hức, đợi chờ cũng như tạo hiệu ứng marketing truyền miệng. Vào thời điểm bán vé lượng khách hàng truy cập website rất cao nên các website cũng xây dựng băng thông lớn để giảm thiểu trường hợp tắc nghẽn, hết băng thông.
Trang đặt chỗ - Website Vietjet Air (ảnh chụp màn hình)
Đối với trang dành cho khách hàng đặt vé online Vietjet Air cũng cố gắng xây dựng các bước đơn giản, dễ hiểu cho khách hàng dễ dàng thao tác. Khách hàng ngoài giá trả cho chỗ ngồi của mình có thể lựa chọn gói hành lý mang theo … Để giới thiệu dự đơn giản trong thao tác mua vé Vietjet Air mang tới khách hàng thông điệp” Đi máy bay dễ như ăn phở” – rất bình dân và quen thuộc với người dùng.

Tuy có sự tương đồng trong xây dựng website nhưng hiện tại Air Asia đã giúp cho khách hàng dễ dàng tương tác hơn qua việc tích hợp các ứng dụng đặt vé trên BlackBerry, iPhone và Android. Điều mà Vietjet Air vẫn chưa xây dựng được bởi hãng cũng chỉ mới  khai thác thị trường chưa tròn 1 năm. 
Giao diện mobile check in của Air Asia

Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, người dùng ngày càng quen thuộc với việc sử dụng internet và xây dựng được thói quen thanh toán online của khách hàng khi mua vé giá rẻ mà Air Asia, Vietjet Air đã tiết kiệm được một khoản chi phí hành chính rất lớn và tăng tính cạnh tranh cho thương hiệu của mình đồng thời giúp cho khách hàng tiết kiệm được những khoản chi hoàn toàn không cần thiết.

Đến mạng xã hội
Với 28 triệu người dùng internet hàng tháng Việt Nam trở thành một trong những nước có sự phát triển internet nóng nhất thế giới. Cùng xu hướng sử dụng internet ngày càng nhiều thì việc sử dụng mạng xã hội cũng đã bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian qua với các mạng xã hội nổi tiếng như Facebook Zing me… . Có thể nói thành công nhất tại Việt Nam hiện  nay vẫn là mạng xã hội Facebook. Số lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã tăng lên hơn một triệu người, từ 1,8 triệu người vào cuối năm 2009 lên đến 2,9 triệu người vào tháng 10-2010 và đến ngày 30/06/2012 mạng Xã hội Facebook đạt được số người dùng đáng mơ ước 6.1 triệu người dùng . Hàng ngày có hàng triệu lượt truy cập để trao  đổi và tìm kiếm thông tin trên mạng.
      Là nơi có hàng triệu khách hàng tiềm năng truy cập mỗi ngày các hãng hàng không cũng nhanh chóng xây dựng cho mình các trang cộng đồng để quảng cáo, thu hút khách hàng, giới thiệu chương trình khuyến mãi mới … Air Asia cũng đã xây dựng 01 fanpage facebook chính thức và 14 fanpage tại các quốc gia để khai thác các khu vực thị trường cụ thể. Riêng Vietjet Air cũng đã xây dựng cho mình các tài khoản Twitter, trang cộng đồng Facebook tuy nhiên với sự thống trị của Facebook tại Việt Nam thì Twitter của Vietjet Air không thực sự mạnh trong khi Fan page Vietjet Air đã vượt qua con số 65000 khách hàng yêu thích sau gần 1 năm hoạt động (nguồn: facebook chính thức Vietjet Air).

     Người dùng facebook hiện nay chủ yếu là nhân viên công sở, thế hệ 8x, 9x … là những người rất quen thuộc với internet, có sở thích du lịch, đi lại và công tác thường xuyên. Có thể nói đây là thị trường đầy tiềm năng cho VietJet Air khai thác. Cũng như các chương trình khuyến mãi trên Website, tại các mạng xã hội Air Asia cũng mang tới cho khách hàng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành riêng cho cộng đồng fan riêng để thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong khi đó Vietjet Air cũng thường xuyên tương tác với khách hàng, đưa ra những lời khuyên dành cho khách hàng cũng như đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành riêng cho cộng đồng Facebook.Như cuộc thi ảnh “Bay là thích ngay” áp dụng cho cộng đồng Facebook với hơn 576 người dự thi trong thời gian 1 tháng để tìm ra 1 khách hàng đạt giải vé bay khứ hồi nội địa bất kỳ.

Nội dung chương trình bay là thích ngay trên facebook Vietjet Air
    Bởi tính chất lan truyền trong các mạng xã hội giúp cho hiệu quả quảng cáo, giới thiệu thương hiệu của Vietjet Air, Air Asia được nâng cao hơn.Các quảng cáo trên facebook với mức giá trung bình 5000 đồng/click cũng được Vietjet Air sử dụng. Gần đây nhất là chương trình khuyến mãi bán 3000 vé giá rẻ chỉ 19.000 vnđ cho chặng bay Sài Gòn-Hải phòng. Như vậy với mỗi chương trình mong đợi từ 3000 -5000 click giao dịch từ khách hàng hãng chỉ mất ngân sách từ  15.000.000 – 25.000.000 vnđ trong khi với khoản tiền này trong marketing offline chắc hãng chỉ mới đủ chi phí cho hoạt động in ấn POSM.

Dựa vào việc sử dụng fanpage giúp cho Vietjet Air, Air Asia đến gần khách hàng hơn, hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng cũng như nắm bắt những xu hướng của khách hàng trong việc di chuyển, đi lại. Hãng có thể xây dựng các chương trình khuyến mãi với các chặng bay, giá cả hợp lý và hấp dẫn hơn.­­­­
Nói tóm lại, việc xây dựng cộng đồng online cũng như việc phát triển website tương tác tốt giúp cho các hãng hàng không giá rẻ tiếp xúc được tới khách hàng mục tiêu của mình, tiết kiệm chi phí để cạnh tranh và hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Nhận xét

  1. Giao diện mới đẹp và bài viết trình bày tốt. Cảm ơn bạn về 1 cái nhìn tổng quan về hãng hàng không giá rẻ ở VN và những nhận biết ban đầu về ứng dụng kỹ thuật số trong hoạt động của các hãng hàng không giá rẻ này.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn những nhận xét của cô ^^.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ĐẾN BOSANG NGẮM LÀNG NGHỀ LÀM GIẤY SAA & Ô TRUYỀN THỐNG

Thái Lan vẫy gọi phần 2- Chùa Thái Lộng Lẫy

ĐI CỦ CHI ĂN BÒ TƠ