ĐẾN BOSANG NGẮM LÀNG NGHỀ LÀM GIẤY SAA & Ô TRUYỀN THỐNG


Đến Chiang Mai vào những ngày đầu tháng 2, chúng tôi bị lỡ mất Lễ Hội Hoa hoành tráng nhưng bù lại trong 3 ngày ở tại Chiang Mai chúng tôi cũng  khám phá ra nhiều địa điểm thú vị và 1 trong số đó chính là Làng Bosang - làng nghề truyền thống  nằm ở xã Sankamphaeng, cách trung tâm thị trấn  Chiang Mai khoảng 9 km (Theo tiếng Thái, từ Bosang có nghĩa là chiếc ô (dù)).



 Để khám phá công nghệ làm ô- làm giấy và mua sắm ở đây bạn chỉ mất khoảng 1 buổi cả đi lẫn về. Trong chuyến đi của mình, chúng tôi đã chọn thuê xe máy- những chiếc xe scoopy rất xinh xắn với giá 200k/ngày để dễ dàng di chuyển và khám phá.

Đường đi Bosang rất dễ,  đi ra khỏi cổng Tha Phae  chạy thẳng hoài khoảng 10km bên tay trái sẽ hiện ra bảng chào "Saa paper & umbrella handicraf centre" bạn chỉ cần quẹo vào và chọn cho mình 1 chỗ đỗ xe râm mát. Có 1 điều chúng tôi cực kỳ ấn tượng khi đến Chiang Mai là an ninh cực kỳ tốt, Chiang Mai chỉ có bãi giữ xe ô tô, còn với xe  máy -  chúng tôi có thể đỗ xe bất cứ chỗ nào bên vệ đường khi đi mua sắm, ăn uống mà không phải canh cánh lo mất xe như ở VN. Nếu vẫn chưa an tâm thì 1 khóa chân nhỏ sẽ được chỗ thuê xe cung cấp cho bạn để khóa bánh xe.  Quay trở lại với Bosang, khu trung tâm làng nghề truyền thống với hàng loạt ô , giấy được làm sẵn với nhiều kích cỡ, mẫu mã cho các nhu cầu của khách hàng. 1 khu phía sau có các nghệ nhân đang ngồi làm có thể cho bạn tận mắt chứng kiến quy trình truyền thống để làm nên 1 tờ giấy saa hay 1 chiếc ô.



Giấy Saa (hay còn gọi là giấy kozo, giấy dâu tằm, rice papper...) được làm từ vỏ cây Sa (tên gọi Thái Lan , hay ở VN gọi là cây dâu tằm, 1 loại cây được trồng rất nhiều tại các nước Đông Nam Á). Cây dâu tằm được chọn làm giấy bởi sợi cây dài hơn các loại bột giấy khác nên giúp cho giấy có độ bền cao hơn trong khi vẫn rất nhẹ.

Mỗi năm 1 lần sau mùa mưa, vỏ cây sẽ được tước ra một cách nhẹ nhàng mà không làm thương tổn cây, sau đó cây vẫn có thể tự tái tạo lại lớp vỏ mới.  Vỏ cây sau khi bóc được ngâm trong nước từ 2-4 tiếng rồi đem đi luộc chung với bột tro từ 3-4 tiếng, sau đó sẽ được rửa sạch với nước lạnh. Sau quá trình đó người nghệ nhân dùng 1 chiếc bũa gỗ và đập liên tục lên mớ vỏ cây đến khi vỏ mềm ra và ngâm vào 1 bồn nước lớn.




Khoảng 1 tiếng/lần người ta sẽ dùng 1 chiệc cây gỗ dài để khuấy cho vỏ cây tan ra. Quá trình này được thực hiện liên tục trong vài  ngày, những chiếc khay vuông với lưới dày đặc được nhúng vào trong nước và vớt ra, lặp đi lặp lại nhiều lền cho đến khi bột giấy tan ra từ vỏ cây sẽ đọng trên khay thành 1 lớp mỏng. Khay được mang ra phơi ngoài nắng 20 phút và thành 1 tấm giấy saa. Để tăng tính đa dạng, trong quá trình làm giấy các nghệ nhân có thể thêm vào các loại lá cây, bột màu tự nhiên....







Những chiếc ô Thái Lan được làm bởi các nguyên liệu chính: keo/hồ; giấy saa và tre. Những ống tre được chẻ nhỏ và chuốt thành từng cọng dài, dày bằng nhau. Trên mỗi thanh tre nhỏ lại được chọc 1 lỗ để xuyên các sợi dây qua,  Người nghệ nhân làm sẵn 1 chiếc trục gỗ có các khe nhỏ để gắn tre các thanh tre làm tán và trục ô, các phần được xiết chặt bằng các sợi dây dù nhỏ.


 Sau khi phần khung của 1 chiếc ô đã hoàn thành thì các lớp giấy saa sẽ được bồi lên bằng các lớp keo và đem đi phơi nắng. Khi chiếc dù thô đã hoàn thành thì màu sắc chỉ là màu trắng đơn thuần của giấy saa, với nhu cầu của khách hàng các nghê nhân sẽ sơn đều màu lên ô sau đó là các bước vẽ tay lên ô. Những bức tranh nghệ thuật được nghệ nhân thực hiện chủ yếu là các bức tranh về động vật, khung cảnh, cây cối ...



Trong quá trình tham quan bạn có thể tham gia chụp hình cùng các nghệ nhân, tự vẽ cho mình 1 chiếc ô hay mua 1 chiếc ô về làm quà lưu niệm cho mình và người thân.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thái Lan vẫy gọi phần 2- Chùa Thái Lộng Lẫy

ĐI CỦ CHI ĂN BÒ TƠ