13g 30 phút ngày 1 tháng 5, vừa chạy ra khỏi cổng thấy bạn cười toe toét đứng đó rồi. Tranh thủ chạy qua Vincom thay bộ đồ vest và xỏ đôi giày là lên đường ngay thôi. Ban đầu cũng tranh cãi nhiều lắm, đứa muốn đi Phan Thiết, đứa lại muốn đi Nam Du sau đó lại tìm ra được 1 địa điểm mới TP. Phan Rang (mà đến hôm ra tới ngoài đó, thấy bảng chào mừng mới biết rằng tên đầy đủ phải là Tp.Phan Rang – Tháp Chàm mới đúng !). 

Lịch trình dự kiến: Chiều tối qua Lagi chơi, sau đó chạy ra Mũi Né, qua Cổ Thạch ngắm bãi đá Bảy Màu, ngắm chùa cổ, ra biển Cà Ná chơi rồi tới Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm.
Từ SG đi Tp.Phan Rang- Tháp Chàm có 2 con đường có thể chọn. Một là đi theo hướng quốc lộ 1A với chiều dài lộ trình khoảng hơn 330km. Hai là đi theo đường biển với chiều dài lộ trình khoảng hơn 380km. Tụi mình quyết định chọn đường biển dù lộ trình dài hơn với mục đích vừa đi vừa ngắm biển đồng thời có thể ghé chơi chỗ nào thấy đẹp.
Lộ trình mình đã đi

Quãng đường đầu tiên tới Long Hải, Kê Gà, Hồ Cốc đã đi qua vài lần, biển xanh, đẹp nhưng mùa này khô quá hay sao Hồ Cốc cạn nước hết trơn ! Đợt trước đi Phan Thiết có đi qua Long Hải sau đó đi nhầm đường ngược lại hướng quốc lộ nên không men theo bờ biển từ Long Hải qua Lagi. Đợt này đi qua Lagi thấy đường đẹp lung linh, cung đường vòng theo bờ biển rộng nhưng vắng xe nên tha hồ kéo ga không lo công an bắt.

Đến Lagi trời vừa tối lại nghĩ ở lại Lagi cũng buồn, vậy là tụi mình quyết định chạy tiếp qua Phan Thiết rồi nghỉ đêm lại tại thành phố, sáng hôm sau lên đường đi sớm. Ra tới thành phố Phan Thiết lúc này đã là 7 giờ tối, 2 đứa quyết định kiếm chỗ nghỉ rồi mới đi ăn. Oan trái sao ngay dịp lễ 1/5 thế là hết phòng, hơn 1 tiếng đồng hồ đi từ khách sạn này tới khách sạn khác, hết khách sạn lớn tới khách sạn bé chỗ nào cũng hết phòng. May mắn sao đến phút thứ 89 kiếm được 1 phòng ở nhà nghỉ. Với suy nghĩ thôi thì thà có hơn không, quyết định đặt phòng ! 

Sau khi đi ăn xong trở về, được tin đã chuyển đồ vào phòng, chị chủ đưa chìa khoá cho mình đi lên phòng. Vừa mở cửa phòng ra chợt thấy có điều bất bình thường: Ồ ! sao Tivi lại mở, đèn phòng vẫn tắt, ồ ! quay vào trong phòng, thấy có 2 bạn đang ngơ ngác nhìn mình ! ồ ! mình nhìn lại, rồi nhìn lên số phòng ! Ôi mẹ ơi ! mình nhầm phòng ! xin lỗi rối rít rồi quay ra kiếm phòng của mình ! tự nhủ lòng : “may quá ! may mà 2 đứa đó ngồi ăn chứ nó đang làm j mà mình bước vào chắc nó chém mình chết )”

 Sáng hôm sau 7g sáng 2 đứa lại quải ba lô lên đường.

Lộ trình ngày thứ 2 kéo dài từ Tp Phan Thiết, qua Mũi Né ( đi dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng), chạy theo đường tỉnh lộ qua Bàu Trắng, Phan Rí Cửa tiến vào khu vực Cổ Thạch, qua Cà Ná tới thành phố Phan Rang.


Sáng sớm ghé Joe’s Café – Mũ Né ăn sáng, đợt trước có qua đây 1 lần, đi xe máy qua hỏi chỗ để xe, nghe mấy em phục vụ nói cứ để chung với xe nhân viên đi, ở đây ko có giữ xe máy L (khá thất vọng về dịch vụ) nhưng lại thích món bánh mì ở đây. Đợt này vẫn đi xe máy cà tàng, đoán chắc lại không được chào đón. Mà thôi ! mặc kệ! Lần này i như rằng thái độ mấy em vẫn như xưa, nhưng mình phát hiện ra 1 điều: hững hờ ! là tình trạng chung của các em phục vụ dành cho khách hàng chứ không chỉ riêng mình ( không biết nên vui hay nên buồn ! )

Món ăn yêu thích của mình tại Joe's Cafe



9g30 sáng 2 đứa lên đường, cứ mở GPS ra chạy theo bản đồ chỉ dẫn. Những đợt trước chỉ chạy tới Nguyễn Đình Chiểu xong vòng về lại, không ngờ khi chạy qua khu đó lại gặp vùng biển có tàu thuyền neo đậu nhiều quá trời ! Thêm cái nữa ngay đó còn có mấy cô bán hải sản tươi. Nếu có thêm thời gian chắc chắn mình sẽ mua hải sản xong xuống biển nhậu luôn rồi !
thuyền bè trải dài xa tít tắp !


Sau khi chạy qua khỏi khu Mũi Né, theo hướng Hòn Rơm chạy qua phía Bàu Trắng. Đường xa xe chạy vi vu. Đến ngay đoạn vào Bàu Trắng mới bắt đầu đoạn đường gian nan khổ cực. Đường cán lún với xe thi công đang làm, chạy xe trên cát & đá vụn mém té mấy lần. Đoạn đường gần 20 cây số mà tụi mình chạy mất gần 1 tiếng. Vừa nghỉ mệt thì thấy có 2 cô chú đi từ Cổ Thạch qua hỏi thăm mới hay tin đoạn đường sắp tới cũng gian nan không kém. Thêm vào đó nữa là khu sắp tới không có người ở.

Đúng như lời cô chú đã nói, quãng đường tiếp theo từ Phan Thiết qua Phan Rí Cửa chỉ có những con đường đầy cát, đường lổi lõm leo lên leo xuống, bánh xe thì đảo qua đảo lại. Cố gắng lắm nhưng 2 đứa cũng đo đường 1 lần, may mà đi chậm nên không gặp vấn đề gì.  Qua cầu Sông Luỹ đường lại đổ nhựa đẹp như chưa có gì xảy ra, nhìn qua nhìn lại 2 đoạn đường cứ  như là thiên đường với địa ngục !
Bãi biển rất đẹp với thuyền thúng đủ màu sắc

Đoạn đường tiếp theo đi ngắm chùa Cổ Thạch và bãi đá Bảy Màu. Cung đường rộng rãi, xe cộ qua lại cũng ít, có chăng ngắm những dải đất khô cằn chỉ có xương rồng mới thấy cuộc sống ở đây gian nan lắm. Thi thoảng có những căn nhà đơn sơ với hàng rào là những cành cây khô họ gom nhặt được qua tháng ngày. Những nấm mồ nằm phơi mình trong nắng, trong gió, trong những đồi cát bay…
12g trưa & bãi đá 7 màu ! check in ^^

Đến Cổ Thạch trời vào trưa, hỏi đường được một anh chỉ dẫn rất tận tình tới bãi đá Bảy Màu. Chụp hình một cái, ngắm đá một xí, giữa trưa nắng quá chừng nắng, đá nóng rát cả tay. Cứ tưởng tượng đá bảy màu là xanh đỏ tím vàng xen nhau lấp lánh, ai dè vẫn là đá bình thường nhưng được cái thiên nhiên kỳ thú làm cho viên đá nào cũng tròn tròn, chứ  không sắc góc cạnh như đá ở chỗ khác. Dọc bãi biển còn có bảng CẤM LẤY ĐÁ, thế là xong ! Tiếp tục lên đường đi Chùa Cổ Thạch. Chùa Cổ Thạch cách bãi đá bảy màu tầm 500m, nghe đâu đây là chùa cổ từ ngày xưa. Trước chùa tiểu thương làm các gian hàng bày bán đủ thứ từ quà lưu niệm, tới các loại rong biển, hạt đười ươi, đá phong thuỷ…Trong chùa có các tượng linh thú, các vị phật… do các vị sư phụ trước đây chế tác. 
Bãi biển cũng rất đẹp với nhiều người tắm dù vào buổi trưa!

Sau khi đi một vòng lễ phật, mình xuống núi và tiếp tục lên đường đi Cà Ná. Biển Cà Ná là nơi giao nhau giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, nổi tiếng với các cửa  hàng bán nước mắm và mực một nắng. Lúc chạy đi thì mình không ghé Cà Ná dùng bữa, nhưng ngày về có ghé Cà Ná. Ngay khi bước vào quán là không thể không phấn khích vì biển THỰC SỰ QUÁ ĐẸP. 

Biển ở đây phải nói là xanh tươi vô cùng, ngồi ngay quán nghe sóng vỗ ào ào, hứng từng làn gió biển mặn mặn, rít rít mà lại làm mình phấn chấn hẳn. Trên mặt biển xanh như ngọc, chiếc thuyền chở khách du lịch đang neo đậu nhấp nhô theo nhịp sóng mình cứ tưởng tượng nếu bước lên con thuyền đó đi lênh đênh chắc giống mình đi trên biển Địa Trung Hải lắm. Từ trong đất liền nhìn ra giữa biển thấy có 1 đảo nhỏ, nghe bạn nhân viên nói từ đất liền ra đảo mất 45 phút. Khi ra tới đảo bạn có thể tham dự các hoạt động vui chơi như bơi lội, câu cá, ăn uống … tự hứa với lòng nếu còn ra Cà Ná chắc chắn sẽ dành 1 ngày ra đảo để chơi.
Nước biển xanh ngắt !


 Món ăn nổi tiếng ở vùng biển Cà Ná là món lẩu mực: mực tươi được đánh bắt từ sáng sớm, để nguyên con nhúng lẩu. Nước lẩu được chế biến có độ ngọt vừa không giống vị chua cay của các món lẩu tại Sài Gòn, mực nấu lẩu vừa chín tới chấm cùng nước mắm nguyên không pha chế vừa ngọt ngọt, vừa mặn mặn, sựt sựt của thịt mực quyện với vị bùi béo của trứng mực. chậc chậc ! ăn hoài không chán ! Gọi món lẩu cho 2 người xong được giới thiệu món cá gáy nướng, gọi thử một phần thấy cá cũng lạ. Cá cắt lát được tẩm muối ớt nướng chín dần trên than hồng mang tới vị ngọt, thơm mà không bị tanh. Cá không quá ướt, không quá khô nên 2 đứa chiến đấu xíu xiu là xong đĩa cá. Hơi tiếc là ngay quán lại không bán gỏi, nghe giới thiệu gỏi cá mai nhiều lắm mà lại không được thử.
Cà Ná là câu chuyện của lúc đi về,
Lẩu mực rất tươi & ngọt

Còn lúc đi đi thì Cá Ná cũng chỉ vụt qua trong đáy mắt mình. Điều ấn tượng duy nhất lúc đó là các font chữ của các quán nước mắm đẹp quá, quán nào cũng tự vẽ mà font nào cũng đẹp. Không phổ thông như các bảng hiệu cơm, phở, hủ tiếu ) Từ Cà Ná chạy xe thêm 30km đã thấy thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đón chào mình rồi ^^

Đến Phan Rang có 2 thứ mình muốn thấy nhất CỪU & NHO, ơn trời ! lần này thấy cả 2 thứ này.
11. CỪU: trước đến giờ thấy cặp nào chụp hình cưới Phan Thiết cũng thấy có thêm mấy tấm chụp cừu, nhìn em cừu nào cũng cưng ơi là cưng ! nhìn thấy ghiền. Thế là hi vọng nhìn thấy cừu. Vừa qua tới gần thành phố Phan Rang- Tháp Chàm là nhìn ngược nhìn xuôi mong thấy bầy cừu. Đang đi nhìn thấy đoàn cừu ! á á ! de xe ! chạy te te lại ngắm mấy em í và chụp hình tá lả ! mà hình như cừu đói bụng hay sao nhìn ốm nhách à ! Xong mấy em cừu đầu tiên, đi tiếp, gặp đoàn cừu thứ 2, oa !! nhiều cừu quá trời nhiều, chạy qua chụp hình cừu tiếp. Mấy em cừu này không sợ người lạ, chụp nó quá trời mà nó không bỏ chạy như đàn đầu tiên. Chụp cừu, tự sướng, chụp qua chụp lại chán, tiếp tục lên đường…
Nguyên 1 đàn đi vầy nà !


Từ lúc đó đến ngày hôm sau gặp thêm nhiều bầy cừu nữa đông hơn về số lượng, nhiều hơn về chủng loại, đẹp hơn về bối cảnh mà không chụp nữa. Vì đẹp hơn nhưng lại mất yếu tố “đầu tiên” ^^ . Mà cừu ở đây để phân biệt giữ nhà này với nhà kia bằng cách vẽ sơn tá lả lên lưng, mỗi nhà một chữ, một mà nhìn tếu ơi là tếu ^^

2. NHO: cái này là không phải thích mà ghen tị ! thấy mấy đứa đứng trong vườn nho trĩu quả mà chụp hình là ghen tị lắm rồi ! Thế nào cũng phải tìm cho ra vườn nho. Vườn nho đầu tiên cũng giống đàn cừu đầu tiên, không đẹp nhất nhưng mình hào hứng nhất. Những vườn nho sau thì thích vì màu sắc, giống nho… Lên trang web của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thấy giới thiệu vườn nho Ba Mọi, thế là theo chỉ dẫn tới vườn nho. Vườn làm phục vụ du lịch nên cao hơn những vườn khác mình đã đi qua, nho cũng đẹp mê mệt. Chú Ba Mọi thì chân chất hiền lành và rất hiếu khách, hỏi gì về nho chú chỉ cho cái đó từ cách trồng, cách thu hoạch, cách chống sâu bệnh. Chú còn cho giống vào giai đoạn tháng 9- tháng 10 dành cho bạn nào yêu thích ( tại khu vực SG nhá !). Trong nhà chú có khu vực sơ chế và bán nho tươi ( nho xanh & nho đỏ) dành cho khách nào yêu thích. Nhìn quả nho mê quá trời ! tự dưng thấy nó đẹp hơn, ngon hơn nho mình mua ngoài chợ ! (chắc do mình vừa đi thăm vườn về
Vườn nho trĩu quả
Nhìn từng chùm từng chùm thấy mê à !
sờ được chùm nho rồi đây! hạnh phúc rồi !


Dọc bãi biển ngay thành phố chủ yếu là người dân địa phương đi tắm, có nhiều người dân tộc Chăm  lắm, cũng không thấy khách du lịch nước ngoài như các vùng khác. Ở đây mọi người xuống tắm xong lên ăn vặt, hơi ngộ là không có hải sản. Ăn vặt ở đây có xôi chiên, bánh tráng nướng, bánh tráng chấm mắm ruốc, nem nướng… mấy cô bán hàng dễ thương mà nhiều khi cũng ngộ ngộ ! ăn bánh tráng, nem nướng xong trả tiền, đưa tờ 100.000 không chịu lấy, kiu không có tiền thối, tự đi kiếm tiền lẻ đi :))) xong 2 đứa đi luôn cũng không thấy cô í lo mình bỏ chạy nữa ! chị gái ngồi ăn còn “hiến kế” :” bả không thối tiền thì tụi bây khỏi trả !”
bánh tráng cuốn !
Vừa nướng vừa cuốn vừa 8888 chuyện !
Nem nướng xiên chấm muối/tương

Tham khảo trên web có nhiều món được giới thiệu như cơm gà, bún cá dầm, bún sứa… cuối cùng không ăn được món nào mà lại ăn được 1 món mới cực kỳ: BÚN MẮM NÊM. Sự là khi đang đi lòng vòng kiếm quán ăn bún cá thì thấy ven đường 16/4 người ta ăn đông quá, 2 đứa tấp xe vào, ngồi bàn như ai mà không biết người ta bán món gì. Đến khi nhìn qua thấy nguyên tô mắm ! người mua thì í ới: “cho em 1 ký” “cho em 2 ký”… Quay qua hỏi bàn kế bên mới biết món này có thể gọi tô hay gọi theo ký bún. Ăn bao nhiêu gọi bấy nhiêu. Một phần ăn bao gồm: bún tươi + chả cá + mắm nêm + cà pháo tươi + đĩa rau xanh ( gồm xoài chua + dưa leo+ rau thơm+ rau muống bào sợi + cà xanh cắt ). Ai thích có thể ăn thêm nước tương. Do khẩu vị lạ quá nên cũng ăn chút xíu rồi thôi ! 
món kỳ cục nhất trong tất cả các món từng ăn !

Ở khách sạn lần này thú vị hơn lần trước, khách sạn nằm ngay biển Ninh Chữ, chỉ cần đi bộ 50m là tới các quán bán hải sản, món nhậu. Mấy cô bán hàng cũng vui tính lắm, bán hàng chỉ có một số món hải sản, không có menu, muốn ăn gì cô báo cái đó. Bán hàng cũng không ép khách hàng, muốn ăn cũng được, không ăn cũng được. Tối trở về khách sạn khi thấy bàn ông địa có cúng chùm nho, ngồi tám mới hay là nhà cô chủ khách sạn là đầu nậu thu mua nho của tỉnh. Dân địa phương trồng sau đó bán nguyên vườn nho cho đầu nậu, sáng sớm từ 2-3g sáng đầu nậu sẽ đánh nguyên xe ô tô xuống vườn hái. Nho được phân loại thành nho tươi để bán và nho rời để làm rượu vang (gọi tắt là nho rượu), một phần nhỏ khác làm được dùng làm mật nho, rượu nho. Khi mình làm thủ tục check-out xong, anh con cô chủ còn mời thưởng thức mật nho, rượu nho nhà làm.






Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ĐẾN BOSANG NGẮM LÀNG NGHỀ LÀM GIẤY SAA & Ô TRUYỀN THỐNG

Thái Lan vẫy gọi phần 2- Chùa Thái Lộng Lẫy

ĐI CỦ CHI ĂN BÒ TƠ